Bốn nạn nhân tử vong là anh Lê Ngọc Hơn, 21 tuổi; anh Nguyễn Văn Bằng, 39 tuổi ở huyện Lệ Thủy; ông Phạm Văn Cứ, 60 tuổi ở huyện Quảng Ninh và một nạn nhân 40 tuổi ở TP Đồng Hới. Hiện trời mưa nhỏ, lũ vẫn cao nên việc tang lễ cho các nạn nhân gặp khó khăn.
Sáng 30/10, do đường sá vẫn ngập, người dân phải dùng thuyền chở quan tài đi chôn cất. Ảnh: Võ Thạnh
Mực nước sông Kiến Giang tại trạm Lệ Thủy lúc 7h sáng nay là 3,28 m, giảm 0,86 m so với đỉnh lũ sáng qua, nhưng vẫn trên báo động ba 0,58 m. Vì thế diện ngập vẫn rất lớn với 32.880 hộ dân (Lệ Thủy 19.700, Quảng Ninh 12.000 và TP Đồng Hới 1.000 hộ), mức ngập 0,5-1,5 m.
Hơn 1.200 hộ dân sơ tán đã trở về nhà. Hiện toàn tỉnh vẫn còn hơn 9.100 hộ ở Lệ Thủy và Quảng Ninh đang tá túc tại nhà hàng xóm, nhà văn hóa. Chính quyền khuyến cáo người dân không ra đường, mọi nhu yếu phẩm sẽ do đội cứu hộ tổ chức vận chuyển bằng thuyền, cano.
Hôm nay do lũ rút, số thôn bản bị cô lập đã giảm từ 58 xuống 6, gồm An Ninh 2, Hiền Ninh 2, Tân Ninh 2 của huyện Quảng Ninh. Điểm giao thông bị ngập giảm từ 76 xuống 7, trong đó có hai điểm ở quốc lộ 9C và 15. Quốc lộ 1 đã lưu thông trở lại.
Cầu Phong Xuân ở huyện Lệ Thủy bị ngập hai đầu, ngày 29/10. Ảnh: Võ Thạnh
Cơ quan khí tượng dự báo hôm nay Quảng Bình cũng như Trung Trung Bộ mưa giảm còn 20-50 mm, cục bộ có nơi trên 80 mm, lũ các sông rút dần. Riêng rốn lũ Lệ Thủy và Quảng Ninh khả năng còn ngập 2-3 ngày nữa.
Ảnh hưởng của bão Trà Mi và không khí lạnh, từ ngày 25/10 đến 29/10, Quảng Bình liên tục mưa to. Tổng lượng mưa ở hồ Sông Thai đã lên 1.210 mm, hồ An Mã 870 mm. Lũ sông Kiến Giang tại Lệ Thủy đã lên cao nhất 4,14 m, vượt báo động ba 1,38 m, gây ngập diện rộng.
Đây là trận lũ lớn thứ hai trong 4 năm qua ở Quảng Bình, sau trận lũ tháng 10/2020. Năm đó toàn bộ vùng đồng bằng huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy bị ngập 2-4 m, kéo dài hơn 10 ngày, làm 25 người chết, thiệt hại kinh tế 3.500 tỷ đồng.
Võ Thạnh