Sự xuất hiện của Temu - một nền tảng thương mại điện tử với những mặt hàng giá rẻ đã gây nhiều chú ý trong thời gian gần đây. Một điều chắc chắn là đã gây tác động mạnh đến thị trường bán lẻ Việt Nam, làm rõ hơn những điểm yếu cố hữu của hàng Việt.
Trước Temu, tiểu thương chợ truyền thống kêu trời vì ế ẩm, ngồi cả ngày không bán được hàng. Khi Temu xuất hiện, nó được mô tả giáng thêm đòn cho bán lẻ nội địa.
Một số người lo lắng, bảo tại sao không mua hàng Việt để ủng hộ doanh nghiệp, nhà sản xuất nước nhà. Đem câu chuyện này hỏi một người bạn kinh doanh ngành thời trang, anh bạn tôi khẳng định chắc nịch: Những mặt hàng khác thì không biết, chứ mặt hàng thời trang, quần áo, giày dép, bao nhiêu người bán hàng, có bao cửa hàng vật lý lẫn bán online dám tự tin nói "đây là hàng Việt".
Anh bạn tôi nói, chục năm trước, để kinh doanh mấy shop quần áo, anh còn chịu khó lên chợ vải sỉ nhập hàng, thuê người may quần áo. Xưởng không lớn, nhưng vẫn duy trì việc làm cho chục người.
Nhưng từ ngày biết "đánh hàng Quảng Châu", anh nói "mua sỉ, nhập thẳng từ bên đó bán cho nhanh vì mẫu mã đa dạng, giá lại rẻ". Đó là kiểu mua kg, bán cái. Những ai bán quần áo trong giai đoạn trước Covid-19 được anh mô tả "rất lời, sắm xe, mua nhà dễ như chơi".
Điều đáng giận, là một số người kinh doanh nhập hàng từ Quảng Châu về, nhưng lại đóng mác, nhãn mang tên cửa hàng của mình, "cứ như bản thân làm ra sản phẩm đó vậy". Khi nhiều người biết đến phương cách làm ăn này, họ giật mình vì thấy một kiểu áo sơ mi, từ họa tiết cho đến chất lượng vải giống y hệt nhau, như đi hai shop khác nhau là mang nhãn mác khác nhau.
Khi cơn lốc Temu đổ bộ, câu chuyện của vấn đề không chỉ là về một nền tảng thương mại điện tử giá xuyên biên giới đe dọa hàng trong nước. Với vị thế người tiêu dùng, tôi và nhiều người khác đều có chung câu hỏi: Đâu là hàng Việt để ủng hộ, trước khi bàn đến chất lượng.
Sau đó là giá cả. Một trong những nguyên nhân sâu xa khiến hàng Việt khó cạnh tranh trên sân nhà chính là vì nhiều nguyên liệu và thiết bị cần thiết trong sản xuất vẫn phải nhập khẩu.
Lúc trước, vải vóc nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Nhưng nay nhập thẳng sản phẩm là chiếc áo, cái quần về bán thì làm sao cạnh tranh lại với "nơi bán từ xưởng".
Chính vì phải nhập khẩu phần lớn các linh kiện và phụ kiện này, giá thành hàng Việt không thể nào rẻ được, dù công lao động ở Việt Nam vẫn được coi là cạnh tranh.
Thực tế, trước khi Temu xâm nhập vào thị trường Việt Nam, các tiểu thương đã đứng trước nhiều thách thức trong việc tìm kiếm nguồn hàng phù hợp và kinh doanh có lãi.
Sự xuất hiện của Temu đã như một cơn lốc đổ vào, càng làm thị trường khó khăn hơn. Nhiều cửa hàng mặt tiền, vốn phụ thuộc vào lượng khách hàng địa phương, giờ phải đối mặt với tình trạng khách hàng chuyển dần sang mua sắm online trên các nền tảng vì giá rẻ hơn và nhiều sự lựa chọn.
Cơn lốc Temu đang phơi bày rõ thế khó trập trùng của hàng Việt, nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại và tìm ra hướng đi mới cho sản xuất nội địa.
Các doanh nghiệp và ngành công nghiệp trong nước phải đổi mới mạnh mẽ. Nếu các doanh nghiệp Việt không nhanh chóng cải tiến chất lượng, giảm chi phí sản xuất và phát triển thêm sản phẩm đa dạng, khả năng cạnh tranh sẽ ngày càng giảm sút.
Những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đàng hoàng cần được hỗ trợ và khuyến khích sản xuất trong nước để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp giảm giá thành mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam ngay trên sân nhà.