Giành chiến thắng kịch tính trong cuộc thi quý IV chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Nguyễn Nguyên Phú, lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, là thí sinh cuối cùng góp mặt trong trận chung kết, diễn ra vào cuối tuần này.
Trong 24 năm của chương trình, đây là lần thứ hai trường chuyên Đại học Sư phạm có học sinh vào chung kết.
Nguyên Phú tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia, phát sóng hôm 6/10. Ảnh chụp màn hình
Nguyên Phú nói đặt mục tiêu tham dự Olympia khá muộn. Nhiều bạn chơi xác định từ THCS, Phú mới có ý tưởng từ năm ngoái, khi xem trận đấu quý I và ấn tượng với chiến thắng áp đảo của đàn anh Nguyễn Việt Thành.
Để được chọn, Phú phải vượt qua vòng loại cấp trường. Phú từng thi vòng này hồi lớp 10, tuy không giành chiến thắng nhưng với vị trí thứ 4, em thấy mình có tiềm năng để tiến sâu hơn. Nhờ chuẩn bị tốt, tới năm lớp 11, Phú đạt giải nhất, trở thành đại diện của trường thi Olympia năm nay.
Ngay từ trận thi tuần, Phú khiến người xem "choáng" với khả năng suy luận và liên kết thông tin. Phần thi Vượt chướng ngại vật yêu cầu thí sinh tìm ra cụm từ khóa, dựa vào bốn gợi ý. Khi người dẫn chương trình mới bắt đầu đọc câu hỏi, Phú liền bấm chuông trả lời từ khóa 9 chữ cái là "Thế vận hội", giành 60 điểm.
Kịch bản tương tự lặp lại trong trận tháng. Chỉ với câu hỏi đầu tiên (chưa công bố đáp án) cùng gợi ý 14 chữ cái, Phú "vượt chướng ngại vật" với đáp án đúng là "đường Trường Sơn".
Nói về hai màn thi này, nam sinh chuyên Sư phạm cho rằng mình may mắn bởi tình cờ chọn đúng câu hỏi chứa đáp án liên quan trực tiếp đến từ khóa. Với "Thế vận hội", Phú đoán được do đáp án của câu hỏi đầu tiên là "Hy Lạp". Còn ở từ khóa "đường Trường Sơn", Phú tìm được số 559 trong gợi ý, nên ngay lập tức nhớ tới Đoàn 559 - đơn vị nhận nhiệm vụ mở đường.
"Dù đoán được từ khóa trong trận tuần và tháng, em không thành công trong vòng thi này ở trận quý, nên không nghĩ đây là thế mạnh của mình", Phú bày tỏ.
Phú (thứ ba từ trái sang) giành giải nhất cuộc thi Olympia cấp trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Với Phú, đáng nhớ nhất là câu hỏi cuối cùng trong trận thi quý. Đây là câu hỏi bằng tiếng Anh, hỏi chữ "PM" thường dùng khi nói tới bụi mịn là viết tắt của từ nào. Lúc đó, Phú dẫn đầu với 185 điểm, nhưng chỉ hơn hai bạn chơi phía sau 10-15 điểm, còn câu hỏi này trị giá 30 điểm. Nếu bấm chuông, nam sinh phải trả lời đúng mới giành chiến thắng. Còn nếu đưa ra đáp án sai, em bị trừ 15 điểm. Khoảnh khắc bấm chuông, Phú nói chính mình cũng nín thở hồi hộp.
"Particulate Matter", Phú dõng dạc trả lời và vỡ òa khi được thông báo đã giành chiến thắng, góp mặt trong chung kết năm. Nam sinh cho biết cách đây vài tháng, em tình cờ đọc được một bài viết về bụi mịn, nhờ vậy mới đưa ra được đáp án đúng cho câu hỏi này.
Nhìn lại hành trình vào chung kết, Phú cho biết không đặt chiến thuật cụ thể ở từng trận. Ngoài kiến thức, kỹ năng duy nhất em luyện tập là bấm chuông. Sắm một chuột máy tính giống loại mà chương trình sử dụng, những lúc rảnh, Phú sẽ vào các website để kiểm tra tốc độ bấm của mình.
"Thường thì trong một giây, em bấm được 14-16 lần", Phú nói.
Phú thấy việc này hiệu quả rõ rệt khi em thường giành điểm trong những phần thi đòi hỏi tốc độ bấm chuông. Trong 36 câu hỏi chung của phần thi Khởi động, Phú giành quyền trả lời 14 câu (gần 40%), đưa ra 12 đáp án đúng. Nam sinh nhìn nhận tốc độ là thế mạnh của mình, song cũng không quên nhắc nhở bản thân cần thi đấu chắc chắn hơn.
"Rút kinh nghiệm từ trận thi quý, với những câu không chắc chắn, đặc biệt trong vòng Về đích, thì em sẽ cân nhắc việc bấm chuông", Phú chia sẻ.
Nguyên Phú bên thầy cô, gia đình khi giành chiến thắng cuộc thi tháng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Quá trình luyện cho cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, theo Phú có tác động tích cực. Nam sinh chú ý nghe giảng hơn, chịu khó ghi chép những phần kiến thức quan trọng, từ khóa thú vị và đọc lại mỗi lúc rảnh. Nhờ vậy, Phú biết thêm nhiều cái mới, ghi nhớ cũng tốt hơn.
Cô Nguyễn Thị Hoài Hương, giáo viên chủ nhiệm và dạy Phú môn Tiếng Anh từ lớp 10, nhận xét học trò ngoan, hòa đồng và dí dỏm. Ở lớp, Phú là tổ trưởng kiêm phó bí thư chi đoàn, nên hăng hái trong các hoạt động tập thể.
Theo cô Hương, Phú thích tìm hiểu kiến thức mới, học đều các môn, nên sân chơi kiến thức như Olympic rất phù hợp. Riêng môn Tiếng Anh, cô đánh giá Phú thuộc top 3 tốt nhất lớp.
"Tôi rất vui và tự hào khi Phú đều giành điểm ở các câu hỏi Tiếng Anh, trong đó có câu quyết định, đưa em tới chung kết", cô Hương nói.
Chỉ còn một tuần trước trận đấu quan trọng nhất, ngoài thời gian học trên trường, Phú vẫn duy trì thói quen đọc sách giáo khoa, sách chuyên đề, đọc báo. Nam sinh thích lĩnh vực thể thao, khoa học, và thấy Tiếng Anh là lợi thế của mình. Phú nói sẽ cố gắng tận dụng cơ hội để giành điểm ở những câu hỏi thuộc các lĩnh vực này, giành điểm số tốt nhất có thể.
Thanh Hằng