Những lần vay lãi 'cắt cổ' của đại gia Lã Quang Bình

04/12/2024
|
0 lượt xem
Pháp Luật
Những lần vay lãi 'cắt cổ' của đại gia Lã Quang Bình

Ngoài ra, ông Bình còn bị cáo buộc lập khống hồ sơ để được Agribank chi nhánh Đống Đa cấp tín dụng. Trước các sai phạm, ông Lã Quang Bình bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, đề nghị truy tố về hai tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Đưa hối lộ.

Về cáo buộc Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cơ quan điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Hoài Anh, Nguyễn Hải Long, Vũ Văn Khiêm và Phạm Quang Tạo, Nguyễn Văn Tuấn. Theo lý lịch bị can nêu trong kết luận điều tra, Hoài Anh là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh Tín Việt, bị can Long là cựu Phó tổng giám đốc Agribank và bị can Khiêm từng là Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP HCM.

Theo kết luận, ông Bình thành lập một số công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, máy vi tính, làm đại lý trung gian thu hộ tiền điện theo hợp đồng đã ký với các công ty điện lực; dịch vụ trung gian thanh toán, kinh doanh bất động sản. 8 công ty của ông Bình được sử dụng để vay tiền tại Agribank chi nhánh Đống Đa với mục đích thanh toán ứng trước tiền điện cho các công ty điện lực và đầu tư kinh doanh bất động sản.

Riêng Công ty ECPAY được Agribank cấp hạn mức tín dụng 1.000 tỷ đồng một năm, còn các công ty khác là 100 tỷ đồng một đơn vị. Từ cuối năm 2010, hoạt động của các công ty của ông Bình bị đình trệ. Các khoản vay ngân hàng bị quá hạn, mất khả năng thanh toán.

Để chi trả khoản vay và duy trì hoạt động cho các công ty, ông Bình đã vay tiền với lãi suất "cắt cổ" của các cá nhân. Khoảng tháng 6/2021, khi biết Bình cần tiền tất toán khoản vay tại ngân hàng, rút tài sản thế chấp, bị can Phạm Như Hà (cựu Phó giám đốc Agribank chi nhánh Đống Đa) và Hoài Anh đã bàn bạc, thống nhất Hà sẽ không giải ngân để buộc ông Bình phải vay tiền của Hoài Anh với lãi suất cao.

Hoài Anh sau đó đồng ý cho ông Bình vay 120 tỷ đồng trong 20 ngày, lãi suất 0,4% một ngày, tương đương 146%/năm. Nguồn tiền cho vay lãi nặng do Hà và Hoài Anh sử dụng các công ty khác nhau lập khống hồ sơ để Agribank chi nhánh Đống Đa giải ngân, kết luận điều tra nêu.

Từ 1/7/2021, Hoài Anh đã cho vay 120 tỷ đồng, trong đó Hà góp 2 tỷ, còn lại là tiền của Hoài Anh huy động từ Agribank chi nhánh Đống Đa. Đến ngày 14/7/2021, đúng 20 ngày như thỏa thuận, đại gia Bình chuyển 9,6 tỷ đồng tiền lãi cho Hoài Anh.

Về lợi nhuận từ cho vay lãi suất cao, Hà và bị can Vương Thị Bích Ngọc (cựu Phó phòng khách hàng doanh nghiệp Agribank chi nhánh Đống Đa) nhận 3 tỷ đồng, Hoài Anh hưởng 3 tỷ đồng.

Cùng ngày 14/7/2021, bị can Bình trả 35 tỷ đồng nợ gốc của khoản vay 120 tỷ đồng cho Hoài Anh và còn nợ lại 85 tỷ đồng. Với khoản tiền này, Hoài Anh và Bình thống nhất lãi suất 30% một năm và tiền lãi chuyển theo tháng. Từ ngày 15/7/2021 đến 25/4/2022, ông Bình đã chuyển cho Hoài Anh 14,4 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi khoản chi phí lãi suất 9% cho ngân hàng, tiền lãi còn lại Hoài Anh và Hà sẽ chia đôi để hưởng lợi.

Bị can Lã Quang Bình, 45 tuổi. Ảnh: ECPAY

Kết luận điều tra nêu, khoảng tháng 3/2021, Bình còn vay 30 tỷ đồng của ông Long với thỏa thuận lãi suất 0,5% một ngày, tương đương 5.000 đồng cho một triệu một ngày, 182,5% một năm. Mức này gấp 9,1 lần so với mức lãi suất cao nhất trong giao dịch dân sự.

Bình sẽ phải trả lãi theo kỳ hạn 20 ngày một lần, giao dịch bằng hình thức chuyển khoản. Ngày 15/3/2021, bị can Long chuyển 30 tỷ đồng từ tài khoản mở tại SHB và SeaBank của mình đến tài khoản của Công ty TNHH Đầu tư nông nghiệp Thuận Phát mở tại BIDV. Ba tháng sau, Long tiếp tục chuyển 4,5 tỷ đồng cho Bình vay song không tính lãi.

Với khoản vay 30 tỷ đồng trong 158 ngày, Bình phải trả cho chủ nợ số lãi 23,7 tỷ đồng. Đến ngày 19/8/2021, Bình đã trả cả gốc và lãi cho Long, tổng cộng 53,4 tỷ đồng.

Bị can Long khai 30 tỷ đồng cho Bình vay được huy động từ người thân trong gia đình với lãi suất 1,6% một tháng, tương đương 19,2% một năm. Tiền sau đó cho Bình vay với lãi suất cao để hưởng chênh lệch.

Cùng thời điểm trên, Bình còn chỉ đạo em rể và nhân viên liên hệ vay tiền của bị can Khiêm. Số tiền vay 22 tỷ đồng có lãi suất 0,5% một ngày, tương đương 182% một năm. Bình phải trả lãi theo kỳ hạn 10 ngày một lần và giao dịch bằng tiền mặt.

Theo thỏa thuận, ngày 3/3/2021, Khiêm giao 22 tỷ đồng tiền mặt đưa cho Bình. Khi đến hạn trả nợ, Bình sẽ chỉ đạo nhân viên rút tiền mặt để trả Khiêm. Trường hợp đến kỳ hạn nhưng Bình không có tiền trả lãi, tiền lãi sẽ được nhập vào nợ gốc để tính lãi mới cho kỳ hạn tiếp theo. Những lần trả tiền sẽ đưa trực tiếp cho Khiêm hoặc vợ anh ta hoặc lái xe, người giúp việc.

Đến ngày 4/10/2021, Bình đã trả cho Khiêm tổng cộng 46,4 tỷ đồng, trong đó có 22 tỷ đồng nợ gốc và 24,4 tỷ tiền lãi.

Ngoài ra, Bình còn vay lãi cao của bị can Tạo 215 tỷ đồng với mức lãi suất từ 0,3% đến 0,45% một ngày, tổng số tiền lãi 41,7 tỷ đồng. Hiện, Bình đã trả 188 tỷ đồng tiền gốc và toàn bộ 41,7 tỷ đồng tiền lãi.

Bình vay 35 tỷ đồng của bị can Nguyễn Văn Tuấn, lãi suất 0,3% một ngày, tương đương 109,5% một năm. Đến nay, bị can đã trả cho Tuấn 27 tỷ đồng nợ gốc và 12,7 tỷ đồng tiền lãi, còn nợ lại 8 tỷ đồng tiền gốc.

Theo kết luận điều tra, tổng cộng Bình đã vay lãi nặng của 5 cá nhân với tổng số 422 tỷ đồng và đã trả lãi hơn 126 tỷ đồng. Trong đó có khoản vay, tiền lãi lớn hơn nhiều so với tiền gốc.

>> Danh sách 16 bị can trong vụ án

Ngoài hành vi cho vay lãi nặng, vụ án còn 11 người khác bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, trong đó có 7 cựu cán bộ Agribank chi nhánh quận Đống Đa. Những người này bị cáo buộc biết rõ 64 công ty của Bình không đủ năng lực pháp luật dân sự, không có khả năng tài chính, toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp tín dụng, giải ngân đều được lập khống. Thế nhưng họ vẫn phê duyệt, cấp tín dụng theo thẩm quyền các công ty của Bình trái quy định. Hiện 64 công ty dư nợ tại Agribank chi nhánh Đống Đa là hơn 2.189 tỷ đồng.

Phạm Dự

Tin liên quan
Tin Nổi bật