Taxi bay - phương tiện thúc đẩy du lịch

18/12/2024
|
0 lượt xem
Du Lịch Tin Tức
Taxi bay - phương tiện thúc đẩy du lịch

Hồi tháng 6, EHang, nhà sản xuất taxi bay eVTOL, cho biết công ty đầu tư du lịch sinh thái Taiyuan Xishan đã đặt hàng mua 50 máy bay không người lái EH216-S với giá 113 triệu tệ (gần 16 triệu USD) để chở du khách.

Tiếp đó, Taiyuan Xishan, công ty thuộc nhà nước ở Sơn Đông, thủ phủ tỉnh Sơn Tây, ký thêm thỏa thuận mua 450 taxi bay trong hai năm tiếp theo để thúc đẩy du lịch và các ngành công nghiệp liên quan.

Một mẫu taxi bay của hãng Joby Aviation, Mỹ. Ảnh: NatGeo

Tháng 10 năm nay, công ty EHang đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay từ Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, cho máy bay không người lái EH216-S chở hai hành khách. Thỏa thuận mua bán này được đưa ra ngay sau khi chính phủ hoạch định kế hoạch thúc đẩy chi tiêu trong du lịch nhằm kích cầu nền kinh tế tiêu dùng quốc gia.

Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc cho biết các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, du lịch nên được khuyến khích sử dụng nguồn quỹ riêng để chủ động nâng cấp thiết bị, cải thiện chất lượng dịch vụ.

Các tỉnh khác, gồm Chiết Giang, cho biết sẽ sử dụng tiền từ trái phiếu chính phủ và kho bạc để xây dựng cơ sở hạ tầng mới cho hàng không dân dụng và các chuyến bay tầm thấp (phục vụ taxi bay).

Taxi bay eVTOL (electric vertical take - off and landing) là máy bay cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng giống trực thăng, chạy bằng điện, chở được 4-5 người. Thay vì cánh quạt lớn, taxi bay thường sử dụng cánh quạt nhỏ giúp chúng tạo ra ít tiếng ồn hơn, nhỏ gọn và phù hợp khi hoạt động trong các khu vực dân cư - nơi trực thăng thường bị cấm.

Tại Việt Nam, ngày 29/10, UBND Bình Định đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo và kiến nghị Thủ tướng cho chủ trương xây dựng đề án thí điểm taxi bay. Bình Định đánh giá taxi bay eVTOL độc đáo, đột phá và tăng trải nghiệm du khách, là phương tiện vận chuyển lý tưởng để khách tham quan, du lịch có thể quan sát, ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên từ trên cao.

Một mẫu taxi bay tại Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Ngoài Trung Quốc, các quốc gia như Mỹ, Đức, Anh cũng đang phát triển taxi bay. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng đã hợp tác với các nhà sản xuất của Mỹ về lĩnh vực này. Chính phủ Hàn dự kiến chỉ định đảo Jeju, điểm du lịch nổi tiếng, là nơi thử nghiệm dịch vụ taxi bay.

Theo Washington Post, Cục Hàng không Mỹ (FAA) đã công nhận taxi bay cũng như hoàn thiện các quy tắc đào tạo, cấp chứng chỉ phi công cho loại máy bay này. Trong thông báo vào cuối tháng 10, FAA cho biết việc cấp chứng chỉ và hoàn thiện quy tắc đào tạo là bước quan trọng cuối cùng nhưng cần thiết để đưa taxi bay vào hoạt động an toàn. Cục cũng cho biết taxi bay sẽ "sớm xuất hiện trên bầu trời" nước Mỹ.

Taxi bay đi vào hoạt động sẽ là phương tiện hoàn toàn mới kể từ khi có trực thăng vào những năm 1940, theo Mike Whitaker, đại diện FAA.

Hầu hết taxi bay tại Mỹ đều do phi công điều khiển, dù các kỹ sư và chuyên gia dự kiến trong tương lai chúng sẽ là loại máy bay tự lái. Joby Aviation, một trong những nhà phát triển taxi bay hàng đầu ở Mỹ, trụ sở tại bang California, đã ký hợp đồng trị giá 131 triệu USD với không quân Mỹ. Hãng dự kiến ra mắt dịch vụ đi chung xe đầu tiên tại UAE vào 2026 và hoạt động trong Thế vận hội mùa hè 2028 tại Los Angeles.

Taxi bay của hãng có đạt vận tốc hơn 320 km/h, quãng đường bay tối thiểu cần sạc pin là 160 km. Loại máy bay tầm thấp này có thể bay cao hơn ba km so với mực nước biển. Trong khi đó, một số loại máy bay trực thăng có thể bay cao hơn nhiều.

Điểm cộng của taxi bay là không phát thải, giúp giảm tắc nghẽn giao thông, đẩy nhanh quá trình đi lại. Chúng cũng được đề xuất để hoạt động như các "shipper giao hàng", di chuyển giữa các sân bay hoặc thay thế dịch vụ xe cứu thương.

Taxi bay được nhận định sẽ thay đổi cách mọi người di chuyển trong khu vực đô thị, theo Seongkyu Lee, giáo sư kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ tại Đại học California. Tuy nhiên đến nay, chưa có cuộc thảo luận nghiêm túc nào được diễn ra về nội dung dùng taxi bay như phương tiện cá nhân, hoạt động giống xe gia đình. Các chuyên gia tin tưởng trong tương lai, công nghệ phát triển sẽ giúp taxi bay chở nhiều hành khách hơn, giảm thời gian mỗi lần sạc.

Theo FAA, chứng nhận bay của taxi bay tương tự trực thăng, chúng được đáp tại các sân bay trực thăng và dân dụng. Hiện tại, Mỹ có hơn 5.000 sân bay dân dụng. Hãng Joby kỳ vọng có thể bắt đầu định giá dịch vụ taxi bay tương đương Uber Black (dịch vụ dùng xe cao cấp).

Theo National Geographic, hơn 150 công ty công nghệ đang nỗ lực chế tạo taxi bay toàn cầu. Hai rào cản chính mà loại máy bay mới này cần vượt qua là lòng tin của hành khách và chứng nhận từ các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều phát minh khác trong những năm gần đây, hành khách hoàn toàn có thể mong đợi về một ngày taxi bay sẽ được sử dụng phổ biến toàn cầu giống như những phương tiện giao thông khác.

Anh Minh (Theo Washington Post, SCMP, NatGeo)

Tin liên quan
Tin Nổi bật