Tương lai ngành xe điện Mỹ ra sao nếu Trump tái đắc cử?

19/12/2024
|
0 lượt xem
Chăm Sóc Xe Thế Giới Thị Trường
Tương lai ngành xe điện Mỹ ra sao nếu Trump tái đắc cử?

Mỹ đang đứng trước bước ngoặt quan trọng với năng lượng sạch. Doanh số xe điện là tâm điểm của sự chuyển đổi này và có thể tiếp tục phát triển hoặc bị kìm hãm, tùy thuộc vào ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo. Chính sách của chính quyền Tổng thống Biden đã thúc đẩy mạnh mẽ việc bán xe điện tại Mỹ, cung cấp cho các hãng công cụ để sản xuất tại Mỹ. Phó Tổng thống Kamala Harris dự kiến duy trì, thậm chí mở rộng các chính sách này, nhưng đối thủ của bà, cựu Tổng thống Donald Trump, cho thấy sẽ làm ngược lại ngay khi ông nhậm chức.

Nếu Trump trở lại Nhà Trắng, ngành xe điện đang phát triển của Mỹ sẽ ra sao? Hiện chưa có câu trả lời rõ ràng, nhưng khả năng hủy bỏ hoàn toàn Đạo luật Giảm lạm phát - thứ đã thúc đẩy nguồn tài trợ cho các dự án năng lượng sạch, bao gồm sản xuất xe điện - không cao.

Tesla Model Y và Hyundai Ioniq 5 - hai trong số những mẫu xe điện bán chạy nhất tại Mỹ. Ảnh: MotorTrend

Điều gì bị đe dọa?

Các báo cáo cho thấy kế hoạch của Trump có thể dừng đột ngột các khoản đầu tư vào nhà máy sản xuất xe điện. Ông cũng có thể tìm cách đóng băng khoản miễn thuế liên bang 7.500 USD cho người mua xe điện, có thể khiến giá cả tăng và làm giảm tốc độ chuyển dịch sang xe điện.

Tại Mỹ, quý III ghi nhận doanh số xe điện kỷ lục, khi các hãng ôtô bán được 346.309 xe điện trong tháng 7-9. Nhưng xe lại trở thành mục tiêu chỉ trích chính trị trong mùa bầu cử này.

Trước đây, Trump từng đưa ra nhận định sai lầm rằng xe điện "không đi xa" và "tốn cả gia tài", dù thực tế là xe điện ngày càng đạt được sự tương đồng về quãng đường và chi phí với xe động cơ đốt trong. Trong lần vận động tranh cử ở Ohio, ông đã nói rằng xe điện sẽ gây ra một "cuộc đổ máu" trong ngành ôtô, ám chỉ việc mất việc làm trong lĩnh vực này.

Ông chỉ bắt đầu ủng hộ xe điện sau khi CEO của Tesla, Elon Musk, quyên góp khoảng 75 triệu USD cho siêu ủy ban hành động chính trị ủng hộ Trump.

Ngược lại, chính quyền Biden đã thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) vào năm 2022, tăng cường các dự án năng lượng sạch và thúc đẩy sản xuất xe điện tại địa phương bằng cách trao hàng tỷ USD dưới dạng các khoản vay và trợ cấp liên bang cho các nhà sản xuất ôtô. IRA cũng cho phép các hãng ôtô cung cấp xe điện với các khoản miễn thuế lên đến 7.500 USD, với điều kiện là ôtô và pin được sản xuất tại Bắc Mỹ.

Từ khi luật được thông qua, đã có 154 tỷ USD được công bố đầu tư vào năng lượng sạch, trong đó 87 tỷ USD là các nhà máy hiện đang hoạt động hoặc đang xây dựng.

Tại sao việc hủy bỏ IRA không dễ dàng?

Riêng tại Georgia, có khoảng 27 dự án năng lượng sạch với khoản đầu tư trị giá 15 tỷ USD được kỳ vọng tạo ra gần 16.000 việc làm, mang lại cơ hội phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Trong số đó bao gồm nhà máy Hyundai Metaplant trị giá 8 tỷ USD, nơi sẽ sản xuất Ioniq 5 năm 2025 và các mẫu mới khác. Nhà máy này dự kiến tạo ra khoảng 8.500 việc làm mới. North Carolina dự kiến nhận được 19 tỷ USD cho 22 dự án năng lượng xanh.

Các nhà sản xuất ôtô có thể tiếp tục hưởng lợi từ các khoản trợ cấp đã nhận được, nhưng tương lai có thể trở nên không chắc chắn. "Chúng tôi sẽ bãi bỏ toàn bộ tiền chưa sử dụng theo cái gọi là Đạo luật Giảm Lạm phát", Trump nói vào tháng 9.

Vì lý do chính xác này, chính quyền Biden đã nhanh chóng xúc tiến các khoản trợ cấp này trước cuộc bầu cử, "tống khỏi cửa" càng nhanh càng tốt, theo Axios. Khoảng 80% số tiền tài trợ (92,5 tỷ USD) có sẵn đến hết năm tài chính kết thúc vào tháng 9 đã được phân bổ.

Tuy nhiên, điều đáng khích lệ là các giám đốc điều hành của một số hãng ôtô lớn nhất nước Mỹ đều ủng hộ xe điện. CEO của Ford, Jim Farley, đã đăng trên LinkedIn một bức thư có tiêu đề "Thú nhận từ một người yêu thích xăng dầu suốt đời. Tôi yêu xe điện, và điều này không liên quan đến chính trị". Còn CEO của General Motors (GM), Mary Barra, trong một cuộc phỏng vấn với CBS Sunday Morning đã nói rằng bà ngạc nhiên khi hệ thống động cơ lại trở thành vấn đề chính trị.

Có thể thấy rằng Ford và GM, hai hãng ôtô sẽ nhận được hàng tỷ USD ưu đãi thuế trong thập kỷ này, sẽ tích cực vận động để đảm bảo các khuyến khích từ IRA tiếp tục được duy trì. Điều này không chỉ giới hạn ở ba hãng lớn mà còn ảnh hưởng đến nhiều nhà sản xuất ôtô khác như BMW, Volvo, Scout Motors, Toyota, Honda, VinFast và Mercedes đang tìm cách mở rộng sản xuất xe điện EV và/hoặc hoạt động về pin tại Mỹ để tận dụng các khoản tín dụng mua sắm.

Kế hoạch của Trump có thể đảo ngược những tiến bộ đã đạt được. Theo trang phân tích khí hậu CarbonBrief, kế hoạch của Trump có thể tăng thêm 4 tỷ tấn khí thải carbon vào bầu khí quyển đến hết 2030, tương đương với việc đưa thêm một tỷ ôtô động cơ đốt trong ra đường.

Mỹ Anh (theo InsideEVs)

Tin liên quan
Tin Nổi bật